Khi sử dụng thuốc tây y để diều trị bệnh gút thì người bệnh cần lưu ý một số vấn đề để có thể điều trị bệnh gút hiệu quả
Không lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm:
Khi bị cơn gút cấp, người bệnh thường có biểu hiện bị đau tại các khớp bị bệnh nên việc sử dụng thuốc giảm đau kê đơn và không kê đơn khá phổ biến. Loại thuốc thường dùng nhất là thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen, diclofenac và naproxen. Loại thuốc này hoạt động thông qua cơ chế ức chế tổng hợp prostaglandin có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày nên việc lạm dụng sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị bào mỏng gây viêm, thậm chí chảy máu dạ dày - tá tràng. Ngoài ra, đối với người đã và đang bị hen có thể gây khởi phát cơn hen. Thuốc acetaminophen (paracetamol) tuy tác dụng chống viêm không đáng kể, nhưng lại có tác dụng hạ sốt và giảm đau rất tốt, nên có thể được sử dụng trong điều trị gút khi không có các loại thuốc khác.
Không dùng liều cao để tránh ngộ độc:
Loại thuốc được sử dụng nhiều nhất trong điều trị gút là colchicine, nhất là khi dùng loại NSAID không có tác dụng. Mặc dù colchicine không phải là thuốc giảm đau, nhưng được phân loại như một loại thuốc chống bệnh gút. Thuốc thường được sử dụng với liều lượng nhỏ hơn để điều trị bệnh gút mạn tính. Tuy nhiên thuốc có các tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng và tiêu chảy hoặc nếu dùng liều cao sẽ gây ngộ độc phải cấp cứu, nhất là loại tiêm tĩnh mạch (hiện nay trên thế giới không dùng loại tiêm tĩnh mạch nữa). Colchicine không dùng cho bệnh nhân rối loạn chức năng gan, tắc mật, suy thận và các bệnh đường tiêu hóa.
Không dùng nhiều corticoid:
Thuốc corticoid có thể sử dụng để điều trị bệnh gút (loại uống như prednisolon, dexamerhason hoặc tiêm như solumedrol...) làm giảm viêm nhanh nhưng hết thuốc gút có thể tái phát. Mặt khác thuốc có thể làm tăng acid uric máu, ảnh hưởng đến dạ dày - tá tràng, thậm chí gây xuất huyết, thủng hoặc giữ nước gây phù hoặc dùng nhiều sẽ bị loãng xương...
Cảnh giác hiện tượng dị ứng:
Để hạn chế gút tái phát, có thể sử dụng thuốc làm giảm sinh tổng hợp acid uric, thường dùng là allopurinol. Thuốc có tác dụng ức chế men xanthin-oxydase là men giáng hóa hypoxanthin thành xanthin và xanthin thành acid uric và làm giảm cả sinh tổng hợp purin. Tuy vậy, allopurinol có thể gây dị ứng dạng mề đay (phù, ngứa hoặc nặng hơn), rối loạn tiêu hóa, đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ nhưng suy thận có thể dùng được thuốc này. Do vậy, khi được chỉ định dùng thuốc, người bệnh nên thông báo với bác sĩ tình trạng cụ thể của mình như có tiền sử dị ứng với allopurinol hay các thuốc đang sử dụng, kể cả vitamin để được cân nhắc lợi ích tốt nhất trong điều trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét